Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Em đi hoang một đời, dã quỳ ơi!

Bao năm qua, tôi đi nhiều nơi và chụp rất nhiều về các vùng đất khác, nhưng hiếm khi tôi chụp về dã quỳ quê tôi. Bởi tôi tự nhủ rằng: "Thì nó vẫn còn đó, chứ có mất đâu mà sợ, từ từ rồi cũng sẽ có thôi.".
Lần này khi về B'Lao đi tìm dã quỳ, tôi chợt nhận ra rằng chúng đang lụn tàn, xơ xác dần, bởi sự tàn phá của "lòng tham", nhưng chúng vẫn thủy chung ở đó, còn tôi đã bỏ chúng mà đi.

Tôi chỉ nhớ ngày xưa ở B'Lao dã quỳ nhiều lắm. Đi đâu cũng thấy phủ kín các con đường, quanh nhà tôi cũng ngập dã quỳ. Cứ thu xong, khi tiết trời bắt đầu u ám bởi những cơn mưa triền miên là dã quỳ lại xuất hiện và vàng rực.
Dã quỳ cứ như người con gái  lạc loài, mang trên mình cái hoang dã của núi rừng. Em chẳng những không hương mà lại còn làm người khác nhăn mặt bịt mũi khi đến gần. Con gái gì mà ngai ngái,hăng hăng, nồng nồng, sộc thẳng vào mũi. Xuất thân em dường như cũng "hèn kém", toàn nơi um tùm rậm rạp, ẩm thấp và dơ bẩn. Có vườn hoa nào lại chứa chấp. Có ai dư hơi rỗi việc mà nâng niu chăm sóc loài hoa tầm thường vậy. Họa là có đám trẻ mới chịu gần cũng chỉ để ngắt xuống làm bánh xe đẩy mua vui mà thôi.

Em đi hoang một đời, dã quỳ ơi!

Bao năm qua, tôi đi nhiều nơi và chụp rất nhiều về các vùng đất khác, nhưng hiếm khi tôi chụp về dã quỳ quê tôi. Bởi tôi tự nhủ rằng: "Thì nó vẫn còn đó, chứ có mất đâu mà sợ, từ từ rồi cũng sẽ có thôi.".
Lần này khi về B'Lao đi tìm dã quỳ, tôi chợt nhận ra rằng chúng đang lụn tàn, xơ xác dần, bởi sự tàn phá của "lòng tham", nhưng chúng vẫn thủy chung ở đó, còn tôi đã bỏ chúng mà đi.

Tôi chỉ nhớ ngày xưa ở B'Lao dã quỳ nhiều lắm. Đi đâu cũng thấy phủ kín các con đường, quanh nhà tôi cũng ngập dã quỳ. Cứ thu xong, khi tiết trời bắt đầu u ám bởi những cơn mưa triền miên là dã quỳ lại xuất hiện và vàng rực.
Dã quỳ cứ như người con gái  lạc loài, mang trên mình cái hoang dã của núi rừng. Em chẳng những không hương mà lại còn làm người khác nhăn mặt bịt mũi khi đến gần. Con gái gì mà ngai ngái,hăng hăng, nồng nồng, sộc thẳng vào mũi. Xuất thân em dường như cũng "hèn kém", toàn nơi um tùm rậm rạp, ẩm thấp và dơ bẩn. Có vườn hoa nào lại chứa chấp. Có ai dư hơi rỗi việc mà nâng niu chăm sóc loài hoa tầm thường vậy. Họa là có đám trẻ mới chịu gần cũng chỉ để ngắt xuống làm bánh xe đẩy mua vui mà thôi.

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Có người từ lâu nhớ thương biển...!

Sinh ra và lớn lên từ phố núi, nhưng chẳng biết từ khi nào lại yêu biển. Thích cái cảm giác trong mịt mù đêm tối bước ra biển cho nước ngập đến đầu gối, rồi mở mắt nhìn thẳng ra trùng khơi đen kịt. Dưới chân cát chạy, và lún dần, cảm giác chênh vênh không vững chãi. Sóng dập từng cơn người chao đảo chực té. Gió thổi thốc luồn trong áo đổ ào ạt trên da thịt, Cảm giác sợ hãi cứ lớn dần, lớn dần, và cuối cùng là quay đầu bỏ chạy.

Nhớ lại chuyến đi cực đông lần thứ 2, từ Đầm Môn  rong ruổi ra Đại Lãnh, ra Tuy Hòa rồi tiếp đi Sông Cầu, Kỳ Nham, Vịnh Xuân Đài, ... Có lẽ miền trung là nơi có những bãi biển tuyệt diệu bậc nhất.
Nha Trang với bờ cát ru tình lãng mạn. Biển Đầm Môn như trãi trên đường, biển Batângân với muôn ghềnh đá lởm chởm kỳ dị, và còn muôn vẻ đẹp khác của biển. Vậy mà, chưa bao giờ có cảm giác biển tuyệt diệu như Biển Bãi Ôm.

Không thế nhớ hết đi qua biết bao địa danh ngộ nghĩnh của Vịnh Xuân Đài như: Vũng La, Vũng Lắm, Vũng Mắm, Vũng Me, Vũng Sứ, Vũng Chào... Nhưng phải nói là may mắn và có duyên lắm mới biết đến Biển Bãi Ôm, không có nhiều thông tin trên net, cũng ít dân du lịch nào biết đến.
Nhớ hôm đi lang thang ra Kỳ Nham chỉ dự tính sẽ chạy dọc đường vào Vũng La để ngắm cảnh biển mà thôi, ai dè lạc đường, đến khi hỏi đường thì người dân lại không biết địa danh cần hỏi, có một bác nói: "Gần đây chỉ có Bãi Ôm thôi, quay lại thấy có cái cây dừa đầu hẻm thì chạy vào là thấy". Đến Bãi Ôm - lạc biển chốn thiên đường chỉ là tình cờ như thế.


Bãi Ôm là một bãi biển nhỏ lọt thỏm vào đất liền, được che chắn bởi 2 dãy núi đá cao.
Nhìn toàn cảnh, Bãi Ôm như vòng cánh tay của người cha núi ôm đứa con biển vào lòng mà che chở dỗ dành.


AI yêu biển nhìn thấy cũng sẽ sững sờ, không thể tưởng được sự hùng vĩ và tuyệt diệu nơi đây.
Nhìn ra xa muôn ngàn con sóng bạc nhỏ lăn lăn, rồi tăng tốc, lớn dần và ào ạt quật vào bờ.

Sóng nơi đây không khoan thai từ tốn như nơi khác mà dồn dập, lớp trước chưa tan lớp sau đã ầm ầm lướt tới.

"Cuộc tấn công đổ bộ" có vẻ hung dữ là thế như khi đến bờ, vừa khẽ chạm phải bờ cát vàng óng mịn là sóng giật mình xấu hổ với sự hung bạo vội buông lơi mơn trớn nhẹ nhàng. Ôi yêu thay mối tình bờ và biển.


Sau khi la hét gào thét nhảy nhót đủ kiểu, lại tần ngần đứng lặng mà ngắm biển, cứ đứng thế thật lâu, nhìn từng con sóng đổ về, rồi lại để hồn tan theo sóng. Để cho muôn câu hỏi cứ theo mỗi đợt sóng mà chất vấn:


Ngày xưa biển xanh? Không như bây giờ biển là hoang vắng?


Sóng có nghĩa gì không? Nếu chiều nay em chẳng đến?


Có nỗi nhớ nào hơn biển nhớ con thuyền?
Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ khi em xa anh?



Biển là em? Ngọt đắng trùng khơi?
Biển nghìn thu ở lại?




Ngồi trên cát làm sao như đá tạc vọng phu?


Không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp, mọi cung bậc cảm xúc đều bị phá vỡ.


Một ngày nào đó sẽ quay lại nơi đây, không chỉ một mình, để đá xanh không hóa thành vọng phu. Để tình yêu đong đầy và trọn vẹn; Biển, nỗi nhớ và em - Nguyên.

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Việt Nam: Hành trình 4 cực 1 đỉnh! (Kỳ 2: Cực Tây - Đông - Nam)

CỰC BẮC: CHẶNG DỪNG THÚ VỊ CHO HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC
Điểm thứ 3 trong hành trình 4 cực 1 đỉnh là cực tây A Pa Chải.
Mốc 0 A Pa Chải nằm ở 102 độ 09 phút 00 Đông & 22 độ 23 phút 53 Bắc trên đỉnh núi Khoang La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Là một trong những mốc chinh phục của những người đam mê du lịch khám phá tổ quốc.

Để đến được A Pa Chải hành trình sẽ là: Tp Điện Biên Phủ - Mường Chà - Mường Nhé -Chung Chải - Sín Thầu - A Pa Chải dài khoảng 280km.
Nói là 280 km, song đó là cả một hành trình mệt mỏi.
Từ Điện Biên đến Mường Nhé còn đỡ chứ đoạn đường từ trung tâm Mường Nhé đi Xín Thầu bắt đầu xấu tệ, đường đang trong giai đoạn nổ mìn phá núi nên ngổn ngang đất đá, lúc xuống sâu lúc lên cao,


chẳng có quy chuẩn an toàn giao thông nào được áp dụng cả, xe chúng tôi cứ như con ngựa lồng bất kham trên những đoạn đường lổn ngổn đá, rồi mệt lử bò lên những dốc cao, thằng sau không thấy đầu thằng trước, thằng sau nữa chỉ thấy mông thằng sau.


Hết những con đường đá lổn ngổn lại những con đường mịt mù bụi đất.


Rồi là cả người và xe dầm mình lội suối, chạy được thì chạy, không chạy được thì dắt


Dắt không nổi thì làm Từ Hải chết đứng giữa dòng.:D


Rồi cũng đến đồn biên phòng A Pa Chải, một trận rượu "kinh hoàng" đã làm tan nát kế hoạch đi mốc 0, hành trình phải dời lại 1 ngày, hành trình bắt đầu vào
ngày thứ 2 sau khi tỉnh rượu, chúng tôi bắt đầu leo đồi, thử thách đầu tiên là vượt qua 3 ngọn đồi tiếp nối nhau với độ dốc khá cao, trừ anh Thi còn lại hai đứa bắt đầu thở hồng hộc, dốc cao mà không có gì bấu víu (cháy hết rồi còn đâu), đường lại đất bụi nên dễ trượt chân.


Rừng cháy trơ trụi, cái nắng gắt mang theo sự khô gắt của gió Lào làm không khí hết sức ngột ngạt, chúng tôi cứ há hốc mồm mà thở,  không ai có sức hỏi thăm ai, lo cho mình được là tốt rồi.
Lên được 3 đỉnh đồi thì mắt hoa hết, đầu váng cả, chân tay thật sự run lẩy bẩy, chúng tôi phải nghỉ gần 10 phút để đi tiếp, đoạn này gắt vì không đi chữ chi được (do lấn sang đất Trung Quốc) mà phải leo thẳng liên tục.


Khúc này là ớn nhất, vì bên là sườn dốc sâu mà đường dễ trượt, sơ xẩy là chuông trống gõ mõ liền. hix.
Hết doạn đường đồi trọc là đến rừng nguyên sinh, từ đây trở đi thì đi khá dễ, nhiều cây cối nên cũng mát hơn. Và rồi những cố gắng đã được đền đáp xứng đáng, 10g20 phút 27/2/2010 chúng tôi đến mốc 0, thật là khó diễn tả được cảm xúc, tất cả cảm giác mệt mỏi đều bay hết. Mốc 0 vững chãi giữa trời xanh.Khôn tả xiết cảm xúc vui sướng, của lòng tự hào dân tộc.


11g38 chúng tôi rời mốc về lại đồn Biên phòng A Pa Chải. 1h55 đến đồn, các anh rất ngạc nhiên vì chúng tôi đi quá nhanh, thường thì các nhóm leo khoảng 12g, 1g mới tới mốc tầm 5g chiều về lại đồn.
Vậy là chúng tôi đã đến được Mốc 0 A Pa Chải, một trong 2 ngã 3 Biên giới (Ngã 3 còn lại ở Ngọc  Hồi Kom Tum, Việt nam - Lào -Cambodia, ngã 3 này rất dễ đi) của Việt Nam. Những cảm xúc kỷ niệm về chuyến đi này sẽ là một phần ký ức khó quên.
Cuộc đời thật sự là một chuyến đi dài với những chặng dừng thú vị. Mà ở mỗi chặng dừng đó chúng ta ngừng lại để cảm nhận, để chiêm nghiệm  để đón nhận hạnh phúc và tự tin tiến bước.


CỰC ĐÔNG: SAY CẢNH SAY TÌNH.
7g sáng ngày 10/6 quỷ và kynhong bắt đầu rời Nha Trang thẳng tiến ra Đầm Môn, háo hức cho hành trình chinh phục cực đông. Nhớ mãi những cung đường  chỉ nhỉnh hơn mặt biển một chút nên cảm giác như lướt trên mặt biển, một bên đồi cát trắng chạy dài tít tắp một bên biển xanh ngắt mênh mông.Đây thúng, đây ghe, đây trời xanh biển lặng. đây thuyền con dập dềnh theo sóng nước, trên cao những cánh chim chao liệng giữa trời.



Mùa này, đường từ Đầm Môn ra Đại Lãnh biển trong vắt, màu trắng của mây, màu xanh lá của những hòn đảo nhỏ, màu xanh biếc của biển vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Để những ai chưa đến mà xem hình, nghe tả cũng thấy lòng xao xuyến bồi hồi, những ai đến rồi thì ngơ ngẩn mãi không thôi, những ai đã một thời gian gắn bó thì khắc sâu mãi trong tim.


Nhớ lại những hành trình kinh khủng, lúc trần mình dưới cái nắng đổ lửa của "sa mạc" cát, lúc thì kiệt sức nằm lăn lóc trên gềnh đá, lúc thì lê lết trong bụi rậm.


Và cũng nhớ mãi, 2 đứa đã phải bỏ cuộc ngày đầu tiên của hành trình để tìm cách khác: Đường nhảy ghềnh đá ven bờ biển.



Hành trình chinh phục cực đông là cực nhất trong các cực song cũng thú vị và có phong cảnh đẹp nhất trong các cực.
Lúc hết nước, cổ họng khô rát, may sao thấy dưới hốc đá sâu có một vũng nước mưa đọng,  mừng quá leo xuống đong vào chai, nhưng hỡi ôi một trời lăng quăng, nhưng chẳng còn chọn lựa nào đành phải "gạn đục khơi trong" ráng lắm nhưng cũng lọt vào 2 em lăng quăng.


 Cũng không hiếm những khi lăn quay thở dốc, mặt mày nhợt nhạt tái mét và cả tuyệt vọng. Cảm xúc ở cực đông là không thể nào tả xiết. Là sự pha trộn tất cả thất tình của con người: "Hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ"
.:)


Nhớ mãi những cái tên: Tèo, anh Hiên, anh Tuấn bo, Tuấn Beo, anh Hồng Tuấn, anh Đức Tuấn. Những người bạn xa lạ mà phút chốc trở nên thân thiết và gần gũi.


Đúng 5g30 phút quỷ & kynhong có mặt tại Sài Gòn kết thúc hành trình chinh phục cực đông tổ quốc.Từ khi đặt chân đến đỉnh cực đông cho đến tận bây giờ trong lòng vẫn vấn vương muôn cảm xúc mãnh liệt. Một chuyến đi vượt quá sự mong đợi, với muôn vàn cảm xúc, và được ban tặng quá nhiều bởi thiên nhiên và con người nơi đây.


CỰC NAM:  MÊNH MÔNG BIỂN TRỜI NƠI TẬN CÙNG TỔ QUỐC


Đây là điểm cực cuối cùng của hành trình. Sau khi tìm hiểu đủ thông tin quỷ và ku badguy bắt đầu cực nam trực chỉ, 2 đứa quyết định không đi theo đường QL1A mà sẽ đi bằng đường qua Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng-Bạc Liêu. Vì đường này phần ít xe  nên đỡ bụi bặm hơn. Và còn một yếu tố quan trọng thú vị nữa là đi bằng đường này qua nhiều phà như Phà Cổ Chiên, Cù Lao Dung, Năm Căn...


Nhớ mãi đoạn đường từ Sóc Trăng đi Bạc Liêu, Cà Mau, mưa ngập trời, chưa bao giờ hứng cơn mưa "tàn bạo" như thế. Hậu quả là đến khi tới Phà đi Năm Căn thì nước ngập hết luôn cả trạm thu phí, nhìn không biết đâu sông đâu bờ.


Về sông nước đất trời phương nam mà không 1 lần để mình bồng bềnh, lang thang trên những chiếc xuống, chiếc tắc để ngửa mặt ngắm mây thả tay chạm nước thì thật là điều đáng tiếc.


Chiếc tắc lồng lên rồi cứ phăng phăng băng mình lướt tới sóng đánh tung tóe 2 bên mạn. Gió thổi mát rượi.những hình ảnh đặc trưng của miệt sông nước dần mở rộng trước mắt.


Không còn hình ảnh những chiếc xe thắng kít trước cửa nhà, mà thay vào đó mà những chiếc tắc tắt máy trôi từ từ, không khóa xe mà lại cột dây vào cọc, thay vì cởi nón bảo hiểm thì lại lụm chiếc nón lá phe phẩy leo lên nhà.:D



Cũng chẳng thấy kẹt xe, cũng không nghe tiếng còi đinh tai nhức óc hay tiếng người la hét ồn ào. Thanh âm của phố thì đang bị nuốt chửng dưới làn nước.
Hết sông lớn rồi đến lạch nhỏ, vào trong những con lạch đất, cảm nhận Đất Phương nam êm đềm bình dị, trời Phương nam trong xanh thăm thẳm. Những hàng đước theo mây theo nước theo trời xanh cứ đua cùng nhau chạy dài mãi. Thật là một bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu.


Khó có ngôn từ nào tả xiết cảnh trời mây nơi cực nam ngày hôm đó, nơi quỷ đứng thì trời hơi tối, nhưng ngoài biển xa thì trời trong vắt xanh ngắt.  Mây cuồn cuộn khắp bầu trời.


Đứng trên doi đất nhỏ nhìn ra xa biển lớn mênh mông, đây đất quê hương kia biển trời tổ quốc, lại một lần nữa cảm giác miên man hạnh phúc lại về.
Cứ đứng thế thật lâu, ngẩn ngơ nhìn những cụm mây trắng kéo cuộn từ chân trời xa đến tận bờ.

 
10g11 phút rời cực nam quay về lại Cà Mau. 19g30 về lại đến Sài Gòn. Vậy là hành trình chinh phục 4 cực 1 đỉnh kết thúc sau 11 tháng (20/10/2009-30/9/2010). Bức tranh quê hương vẫn còn dở dang thiếu nhiều mảnh ghép nhưng ít nhiều cũng đã nên hình dáng.

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Việt Nam: Hành trình 4 cực 1 đỉnh! (Kỳ 1: Đỉnh Fansipan - Cực bắc)

9g52p 30/9/2010 khi đặt chân đến cực nam, tôi đã mỉm cười sung sướng, vậy là hành trình 4 cực - đông, tây, nam, bắc và đỉnh Fansipan đã hoàn thành sau 340 ngày lang thang. Xét về thời gian vậy là cũng gần 1 năm để hoàn thành tâm nguyện nhỏ, cũng một chút tự hào.
Kể từ chuyến đi xuyên việt đầu tiên tháng 2 năm 2004 đã cho một niềm đam mê mãnh liệt, từ sau chuyến đi ấy đã nhủ lòng sẽ khám phá hết mọi miền tổ quốc. Vậy là sau hơn 6 năm, ước mơ thành hiện thực, dấu chân đã in hết 64 tỉnh thành, nhưng cũng đi rồi mới hiểu một điều, đến là đến vậy thôi chứ còn bỏ sót nhiều lắm, ví như chỉ riêng Hà Giang, đi đến cả tháng có khi còn chưa hết.
Thôi những câu chuyện về các chuyến đi sẽ từ từ kể tiếp sau vậy, bài này chỉ nói về 4 cực 1 đỉnh. Đây là tổng hợp hành trình khám phá 4 cực 1 đỉnh:




Sơ đồ vị trí các điểm cực. (Đây là bản đồ vị trí các điểm cực chứ không phải bản đồ VN đầy đủ nhé mọi người, phải nói rõ không sau lại bị kẻ xấu xuyên tạc, hix, khổ lắm)

1.ĐỈNH FANSIPAN - NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG - GIẤC MƠ THÀNH HIỆN THỰC.
Chuyến đi đầu tiên leo Fan với Vũ thật đáng nhớ khi 2 đứa "ngốc nghếch" quyết định tự leo không porter, không hướng dẫn. 2 đứa lên Trạm Tôn hỏi nhờ anh Diện rồi vậy là vác ba lo tự leo.



Ngày leo fan cũng là ngày thời tiết dự báo có mưa và trở rét, nhớ đêm trước leo fan 2 đứa đã hoảng và hủy kế hoạch khi nhìn đỉnh Fan mờ mịt trong màn mây xám xịt.



Nhưng rồi "sĩ diện" và "tự ái" đã làm động lực để hành trình chinh phục bắt đầu, những bước đi đầu tiên có đầy run sợ mà háo hức, khôn kể xiết bao mệt mỏi, chán nản,


Nếu không lo chết đói chắc đã quẳng hết 2 cái balo nặng nề khoảng 15kg trên lưng, Cũng có lúc tay chân rã rời mà chỉ muốn "gục trên súng mũ bỏ quên đời".:D


và hành trình vẫn cứ tiếp tục, đến bây giờ vẫn nhớ cảm giác đêm ngủ ở lán 2800, không có túi ngủ, mặc năm, bảy lớp áo, rồi trùm bên ngoài một cái bao nilon lớn cho sương mây không thấm ướt, càng về khuya trời càng rét, dưới ánh nến leo lét nhìn rõ từng làn sương len qua khe hở của vách mà tràn vào lán. Không ai ngủ được. Cứ sợ, ngủ rồi sẽ ngủ mãi.


6g30 sáng ngày thứ 2  dậy và bắt đầu lê lết tiếp, trời vẫn mờ mịt và lạnh buốt, chỉ biết cúi mặt tránh gió tạt sương thốc vào mặt và lầm lũi bước... bước


băng qua rừng tre trúc này cũng có vài kỉ niệm đáng nhớ, khúc này đi không phải khó lắm nhưng nguy hiểm cũng khó nói trước, nhớ lúc bước hụt chân lọt thẳng xuống khe, không có mấy bụi trúc thì chắc mất mạng rồi, mà lúc đó nếu có cây trúc nào ngắn ngắn nó đâm cho 1 phát thì cũng có lỗi với tổ tiên luôn.:D


Gian khổ là thế nhưng cảm xúc và hạnh phúc cũng đong đầy. Nhớ đêm quây quần bên bếp lửa cùng những người bạn từ nhiều nơi trên thế giới, những câu chuyện vui nhộn gắn những con người xa lạ gần nhau hơn.


và cuối cùng vẫn làm sự vỡ òa hạnh phúc tự hào khi đứng trên đỉnh Fan lộng gió. Cũng chính nơi này đã cho mình hiểu được mỗi nơi trên đất Việt đi qua là một mảnh ghép tình yêu mà vẫn mãi kiếm tìm.


Mượn lại một đoạn đã viết lần nữa.
"
(Khi đặt chân đến đèo Pha Đin – Điện Biên tôi tự nhủ đây là nơi tuyệt diệu nhất, khi đứng trên đỉnh Ô Quy Hồ cung đường đèo cao nhất VN tôi lại thấy không đâu hùng vĩ như nơi đây, thế mà khi dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng - Hà Giang tôi lại gào thét trong ngập tràn sung sướng, nơi nào trên đất Việt này khi tôi đi qua, khoảnh khắc đó tôi đều nghĩ tuyệt vời nhất, tôi yêu nó nhất, và rồi tôi lại vội vàng phản bội. Những chuyến đi lại tiếp tiếp tục, tôi lại bỏ rơi những tình yêu của mình ở phía sau. Tôi vô tình quá chăng? Câu hỏi đó cứ đeo đuổi mãi cho đến một ngày khi đứng một mình trên đỉnh Fansipan lộng gió và rét mướt tôi chợt hiểu ra rằng, mỗi nơi tôi đi qua là một mảnh ghép tình yêu mà tôi đang kiếm tìm và lắp đầy trong trái tim mình - Tôi yêu quê hương tôi.)"


2.CỰC BẮC: CỘT CỜ LŨNG CÚ - ĐẦU TRỜI NGẤT ĐỈNH HÀ GIANG
Thật là một sai lầm lớn khi thực hiện hành trình dài đến 19 ngày mà điểm đầu tiên lại là Fansipan, bởi tất cả sức lực đã bị vắt kiệt. Hối hận thì cũng muộn rồi, vậy là phải hủy bớt vài điểm đi để nghỉ 1 ngày lấy sức. Chuyến đi này dự kiến rất nhiều nơi nhưng xác định là phải 1 cực 1 đỉnh.:D Vậy làm sao có thể bỏ qua Lũng Cú được.
Đường lên Lũng Cú ngày ấy ảo mờ ẩn hiện, vẫn nhớ như in những cung đường ngoằn nghoèo dài hàng trăm cây số, những lúc dốc lên khúc khuỷu, những lúc dốc xuống sâu thăm thẳm.


những cung đường nối liền đất và trời, mây và núi. 2 kẻ lang thang trong cõi trần mà cứ như ngỡ mình say trong cõi mộng.


cứ sau mỗi khúc ngoặt là lại cả một vùng không gian hùng vĩ hiện ra trước mắt. Ôi thật là rượu chưa uống nhưng hồn đã ngất ngây. Nhớ những khi chiều xuống mà vẫn còn lang thang giữa mênh mông núi rừng, mờ sau làn mây, tuốt tận trên cao, con đường như sợi chỉ nhỏ  mà cô gái Mông nào đó để quên lại vắt ngang lưng chừng núi. Một cảm giác liêu trai đến tột cùng.


Đây bản Lô lô nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, bản Lô Lô này là một trong những bản hiếm hoi còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc truyền thống lâu đời..


Đây đường lên đỉnh cột cờ Lũng Cú, thật ra cột cờ Lũng Cú không phải là điểm cực bắc chính xác mà nó mang tính biểu tượng, vì điểm cực bắc nằm giữa khe vực sâu của 2 dãy núi, một bên Việt Nam một bên Trung Quốc. Mà ai lại xây cột cờ dưới vực bao giờ. Hồn thiêng sông núi phải đưa lên đỉnh trời chớ.:D


Cột cờ Lũng Cú ít nhiều đã mang hơi hướm du lịch nên đường đi khá dễ dàng thuận lợi, xe chạy tới chân và chỉ việc leo các bực thang mà lên thôi.


Leo rùi cũng tới nơi. Chụp tấm ảnh lưu niệm cho có cái gọi là.:D


len lén leo trong thân của cột cờ lên nóc luôn. Nhớ lúc đứng trên nóc mà run gần chết, xẩy chân một phát là tùng tùng cheng cheng liền. Ráng cười rứa thôi chứ nhìn gần mặt nó tái tái.:D Vậy là sau khi chịnh phục Fan thi 5 ngày sau đến được điểm cực đầu tiên. Cực bắc.


Share thêm thông tin thú vị cho các bạn thích đi "cực". Ảnh chụp 16/8/2010. Từ cột cờ Lũng Cú bạn đi tiếp khoảng 2200m về phía bắc, sẽ đến mốc biên giới với Trung Quốc, bên trái là khe vực sâu, bên kia là đất Trung Quốc, đây có lẽ sẽ gần điểm cực bắc hơn chút nữa, chứ chính xác hay chưa quỷ vẫn không dám xác nhận.