Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Yên Bái: Tà Chì Nhù ( Cuối): Có một đại dương trên tầng trời

Thật sự có những lúc quá mệt mỏi mà trong tư tưởng xuất hiện ý nghĩ muốn từ bỏ, tới đây là được rồi, cũng đã gần đỉnh rồi, cũng như nhau cả thôi.


 Những suy nghĩ như thế cứ tiếp nối làm chúng tôi tiến về phía trước thật chậm thật chậm. Suy nghĩ cứ lung tung phân tán hết.


 Ngồi nghỉ chân ở cao độ 2850m, quay lại nhìn đất trời đã qua. Tít cao trời vẫn xanh lồng lộng, xa ngút tầm mắt vẫn những biển mây trải dài, những dãy núi xanh chập chùng vô tận. Tất cả ở đây từ ngàn vạn năm như để gửi tặng khung cảnh tuyệt diệu này cho kẻ hậu thế, vậy mà chỉ còn vài trăm mét đã từ bỏ sao? Hai năm trước đã một lần lổi hẹn với Đà Giang mà nuối tiếc đến tận bây giờ, chẳng lẽ lại mang tiếp nợ ân tình này thì biết trả bao giờ mới hết.

Vậy là những bước chân lại thêm chút sức lực mà tiến về phía trước. 900m ... 500m...100.

 và rồi chiếc nơ buộc gói quà Tà Chì Nhù đã được mở bung,


đúng 11g59 phút ngày 29/1/2012 chúng tôi đã đặt chân lên đỉnh Tà Chì Nhù,


một trong 5 đình cao nhất của Việt Nam.


Cảm xúc không hân hoan, gào thét không nổ tung sự cuồng nhiệt như lần chinh phục đỉnh Fan. Mà thay vào đó là cảm xúc nghèn nghẹn, ngẩn ngơ rồi miên man bất tận.


Trên đỉnh cao nhất của dãy Tà Chì Nhù chúng tôi nhìn về bốn phương trời, đã không còn biển mây nào nữa cả, mà tất cả cùng hòa vào nhau thành một đại dương bao la.


Trước mặt là đảo Tà Chì Nhù, xa hơn là đảo Tà Y Chơ, bên trái là đảo Tà Xùa, ảo mờ phía sau là quần đảo Phu Sung Song. Nơi chúng tôi đứng như ốc đảo nhỏ giữa muôn trùng mây bao la, mây trôi xa đến tận chân trời dần đổi màu xanh ngọc bích, lại ngược dòng chảy lên tận trên cao, tích tụ rồi đổ tràn lai láng xuống cõi trần gian.


Không gian, thời gian của ngàn năm, vạn năm  vẫn giữ nguyên đến tận lúc này. Ngôn từ diễn tả nào cũng trở nên thô kệch và kiên cưỡng. Chúng tôi như phiêu phất để mình tan ra trong đất trời này, gió đã thôi gào rít mà vang vọng quanh mình như tiếng gọi của nghìn xưa chuyển về,


không biết phiêu diêu bao lâu mà cảm giác thực tại chỉ trở về khi gặp một kẻ phá bĩnh.


Cuộc hội ngộ dù có bịn rịn mấy cũng có lúc tàn. Đã đến lúc phải quay về, thời gian không còn nhiều nữa,


 chúng tôi vội xuống lán nhà Sen để ăn cơm rồi xuống núi. Đây cũng lần đầu tiên tôi thưởng thức bữa con trong một chuồng bò,


dưới đây phân hôi thối trên lại ngấu nghiến ngon lành.


1g48p chiều chúng tôi bắt đầu xuống núi. Những con dốc quá dài và cao làm 2 đầu ngón chân nhức buốt, đau đớn,


thật sự hành trình về là một chặng đường dài bất tận và khủng khiếp,


 chúng tôi phải chạy đua với thời gian, phải cố hết sức chịu đựng cái đau nhức nhối. Có lúc đau quá, không chịu đi nữa chỉ muốn dừng lại qua hôm sau đi tiếp, song nghỉ chút bớt đau lại ráng.


Hậu quả là khi về đến nhà chú SInh coi lại thì chân bị rộp da hết cả gót lẫn mũi, bị bong 1 móng chân. hix. hix.
Trên đường về do quá mệt mỏi nên chúng tôi không ghi lại được nhiều hình ảnh đẹp khác, thôi để dành cho nhóm sau vậy.


5g45 chúng tôi về đến nhà Bác SInh với toàn thân tê nhức rã rời. Bác Sinh mời ở lại dùng cơm nhưng phải từ chối vì mong sớm có một đêm ngon giấc. Từ biệt bác Sinh và gia đình chúng tôi phóng nhanh về khách sạn Mường Lò, Nghĩa Lộ.Một buổi tối no nê và một đêm bình yên trong giấc ngủ dài đầy mãn nguyện. Đêm hôm ấy tôi lại một lần nữa được phiêu diêu trên đại dương mây tuyệt diệu.

Vậy là tôi lại thu thập thêm một mảnh ghép tình yêu trong tim mình. Cuộc sống này luôn đầy những lo toan tất bật, và bon chen mỏi mệt. Những phút giây tạm đi bên lề cuộc sống luôn hiếm hoi và quý giá biết chừng nào. Thời gian thì không bao giờ trở lại và tôi biết mình phải luôn nắm chặt những mảnh ghép quý giá để bước về phía trước.

Đã đến lúc: "Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh..."

Thông tin đi Tà Chì Nhù:
Cung đường: Hà Nội - Nghĩa Lộ: Từ HN-Nhổn-Sơn Tây-cầu Trung Hà (qua cầu TH) - Rẽ trái rẽ đường Thanh Thủy - Qua ngã 3 Thanh Sơn Thu Cúc - Tới đèo khế - vào Ba Khe - rẽ trái là vào Nghĩa Lộ (từ đây còn khoảng 30km). Từ Nghĩa Lộ đi 35km lên Trạm Tấu. Cách cổng chào Trạm Tấu 100m, bên tay phải có đường vào bản Xà Hồ. Đến bản hỏi nhà bác Sinh Bí Thư xã.

Đường leo Tà Chì Nhù: Từ nhà bác Sinh chạy khoảng 6km đến khu trại khai thác chì của bọn tàu, đường rất xấu, nhưng chạy được, để xe ở đấy rồi bắt đầu leo núi, dự đoán tổng chiều dài khoảng 8 km. Chỉ có một đường nên không sợ lạc. Dọc đường có suối lấy nước, như chỉ đến cao độ 2000m, còn cao hơn hì hên xui tùy mùa. Đường leo gắt, dốc cao, gió giật rất mạnh. Nhiều đoạn đi trên sống núi khá nguy hiểm. Lên cao độ 2650m sẽ thấy có lán nuôi ngựa nhà bác Sinh bên tay trái phía trên cao là đỉnh Tà Chì Nhù, Lên cao độ 2733m thấy bên phải dưới thung sâu là lán nuôi trâu, bò nhà bác Sinh. Từ đây cứ theo sống núi là tới đỉnh.

Thời gian: Chỉ cần 1.5 ngày là đủ. Nên khởi hành trễ nhất là buổi trưa, để đêm cắm trại ở cao độ 2800m trở lên, như vậy vừa ngắm được hoàng hôn trên đại dương mây, và sáng hôm sau cũng ngắm được bình minh. Chứ nếu ở thấp quá sẽ không thấy, còn khi nắng quá gắt thì chụp ảnh không đẹp.
Chốt lại: nên khởi hành tầm 8g -12g. Tối ngủ 2800m. Sáng 6g30 lên đỉnh. 10g quay xuống. 14g đến nơi. Gấp thì chạy luôn về HN vẫn kịp.
Liên lạc: Bác Sinh: 01645694476 - 0292214853. (Bác lo hết thủ tục, bác sẽ nhờ con, cháu dẫn đường)
Chi phí: Thuê vác đồ + nấu ăn 2 người/ 500k. 6-8 người khoảng 800k.
Khách sạn: KS Mường Lò, Nghĩa Lộ: 0293872888. Phòng 200k/2 người. Đầy đủ dịch vụ, rất sạch sẽ.




Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Yên Bái: Tà Chì Nhù (P3): Có một đại dương trên tầng trời

Sau hành trình băng qua những sườn núi đầy khó khăn và nguy hiểm, chúng tôi lại đến một thung lũng khá lớn, đỉnh Tà Chì Nhù nhìn tuy gần song đường đến vẫn còn xa vời vợi, Nghĩa khá khỏe nên đi tốt, còn tôi thì lết từng bước một, mồm miệng cứ há hốc mà táp không khí, chỉ lết chừng 5 phút lại phải nghỉ mệt, cắn miếng bánh socola cho thêm chút đường, nhấm ngụm nước cho đỡ khô cuống họng. Ráng mãi rồi cũng kiệt sức, nước cũng hết, vậy nên quyết định nghỉ 15 phút, để Sen đi kiếm nước mà chúng tôi cũng lại sức. Được một chốc là Sen về, phải công nhận người Mông khỏe thật, thồ nguyên balo quần áo, đồ ăn và cả lều trại mà vẫn đi như không. Trong lúc nghỉ mệt Sen kể trên dãy núi này gia đình có 2 trang trại, 1 bên tả sườn núi chủ yếu là nuôi ngựa,
(nhìn xa xa bên tay phải là chỗ nuôi ngựa của nhà Sen)


bên hữu sườn dưới thung lũng là bò và trâu. Tôi hỏi Sen ngựa ở đâu, Sen cười cười trèo lên ngọn đồi rồi cất tiếng hú một hơi dài.
Bỗng từ đâu một chú ngựa xuất hiện sừng sững trên đỉnh núi


Rồi một cảnh tượng thật kỳ thú, từng sau sườn núi một đàn ngựa gần chục con phi về. Tôi ngơ ngác hẳn, một cảnh tượng quá đẹp,


 giữa trời xanh lộng gió mênh mông, giữa núi rừng hoang vu vắng vẻ lại xuất hiện một đàn ngựa, tôi cứ ngỡ như mình lạc vào cuộc sống trên bình nguyên của một bộ tộc nào đó như trong những cuốn phim  vẫn thường xem.


 Đàn ngựa không hề nhát, chúng phi đến gần, cọ sát mình vào người chúng tôi, có lẽ trên này gió lạnh và rét quanh năm nên lớp lông của chúng dày hơn hẳn ngựa dưới bản.


Sen lấy bịch muối đem theo và rãi cho chúng ăn, trên núi cao không thiếu cỏ song thiếu muối, gió thổi mạnh tung bờm những chú ngựa khiến chúng trông cảm mạnh mẽ.


 Chúng tôi hết sờ chú này lại vỗ vỗ chú kia, rồi hỉ hả cười vang cứ như những kẻ ngố rừng vậy.


Đường còn dài chúng tôi phải tiếp tục lên đường mà vẫn luyến tiếc bầy ngựa đẹp, lên tận trên cao nhìn xuống, bầy ngựa lững đững gặm cỏ giữa biển mây và núi rừng mênh mông, những hình ảnh đó càng đong đầy thêm cảm xúc thú vị.


Điểm dừng chân tiếp theo là một thung lũng khác, từ đây sẽ nhìn thấy lán nuôi ngựa của nhà bác Sinh, đỉnh Tà Chì Nhù đã hiện ra trong mắt nhưng chao ôi vẫn còn quá xa.



 Chúng tôi không chọn đường đi thẳng từ dưới lên đỉnh bằng đường ngắn nhất vì không đủ sức, mà chọn cách đi đường vòng trên sườn núi, với chọn lựa này đường sẽ dài hơn nhiều song ít khó khăn hơn.


Vậy là lại tiếp tục leo, nói leo cho văn vẻ chứ lết từng bước một thì đúng hơn, càng lên cao gió càng quất mạnh khủng khiếp,


nếu không có gậy chắc chắn sẽ bị chới với. Không thể biết leo được bao xa mà mãi đến 11g thì chúng tôi mới đến được cao độ 2650m.


Từ đây sẽ nhìn thấy trại nuôi trâu bò của nhà bác SInh dưới thung lũng sâu,


chúng tôi ngồi nghỉ mệt còn Sen lại đến muối xuống, nhìn anh chàng chạy thoăn thoắt mà ớn hết cả người.


 Đây là cao độ 2733m, và cũng từ đây chúng tôi phải tự mình lên đỉnh,


Sen ở dưới trại nấu cơm để ăn trưa. Đỉnh đã gần lắm rồi chỉ chừng 1km song chân đau buốt vì vận động quá nhiều trong một thời gian ngắn

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Yên Bái: Tà Chì Nhù (P2): Có một đại dương trên tầng trời

Sau một đêm thao thức sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, đã 6g mà mở lều vẫn thấy tối om, thôi ráng nằm thêm chút nữa, chứ đi giờ này khéo lại mang họa. 6g30 trời đã hửng, theo kinh nghiệm từ những chuyến săn mây trước, chúng tôi leo lên bãi trống tối qua để ngắm mây, gió thổi rất mạnh, cái rét của đêm vẫn ẩn mình đó chờ 3 kẻ lạ mặt xâm nhập,


Nghĩa chịu lạnh không nổi quấn luôn cái chăn đắp chắn gió.


 Và lúc này đây từ xa ánh bình minh dần thắp sáng một vùng trời, mây vẫn còn ngái ngủ đến chẳng khẽ cựa mình một cái,


 nhưng chỉ trong phút chốc trời bừng sáng thật nhanh, sau dãy núi cả dòng suối vàng tuôn chảy đổ xuống một góc chăn mây rồi ào ạt lan tỏa khắp ngóc ngách, không gian bừng tỉnh và ngày mới bắt đầu.


Vội thu dọn lều trại để tiếp tục hành trình vì tình hình chúng tôi còn phải leo rất nhiều do ngày đầu chỉ mới vượt qua một đoạn ngắn.
Rời biển mây mà lòng cứ vấn vương quyến luyến, chốc chốc lại ngoái nhìn, lại đưa máy lên chụp,


 dù cũng chỉ góc máy ấy, cũng chỉ rặng núi ấy nhưng sao cứ thấy không đủ, ôi lòng tham của kẻ lang bạt cũng lớn lao biết chừng nào.


Lúc này đây trời bỗng dần xanh trong, những cụm mây trắng lạc loài lững đững trôi, một cảm giác mênh mang khoáng đạt lại tràn về.


 Cứ tưởng càng lên cao biển mây càng dần xa ở phía sau nhưng không phải thế, biển mây lại càng mở rộng.


 Lòng đầy phấn khích, chúng tôi lại tiếp nối nhau vượt qua những ngọn đồi cao,


một bên vẫn biển mây một bên nắng vàng ươm cả núi rừng, chúng tôi như tiếp nối giữ 2 không gian hùng vĩ.

Điểm cần phải đến để nghỉ chân tiếp theo là đồi 3 cây, theo như Sen đặt tên. Mãi nói về cảnh đẹp là thế song chúng tôi ai cũng mệt nhoài bởi những dốc leo quá cao và dài.


8g chúng tôi đến được đỉnh đồi 3 cây. Thở dốc và nghỉ mệt, dưới kia biển mây vẫn trải rộng mãi.



Bây giờ lại không leo cao nữa, chúng tôi băng ngang qua một khu rừng nguyên sinh,


 Sen kể rằng trước đây ở khu vực này bạt ngàn po mu, như sau thì người Mông chặt nhiều để làm nhà, rồi khai thác bán về xuôi, dần cả po mu không còn nữa, chỉ lác đác vài cây còn bé, còn lại đa phần là đỗ quyên, và những cây tôi không biết tên :D


Qua khỏi rừng nguyên sinh là đến rừng trúc


 Tiếp nối lại là một chặng đường khủng khiếp mệt và cũng "khủng khiếp" đẹp. Khủng khiếp vì chúng tôi phải leo trên những sườn núi cao và gió giật rất mạnh,  có nhiều đoạn chúng tôi phải ngồi thụp xuống tránh gió, nếu không chắc chắn sẽ bị thổi bay xuống vực.


 Vì đi trên sườn núi nên phần đất bằng rất nhỏ chỉ rộng chừng hơn 1m, nếu sẩy chân thì ôi thôi. So với Fan si pan thì tôi không thấy có đoạn nào nguy hiểm như thế này, vì ở Fan những đoạn trên sườn núi đều có bậc thang hoặc tay vịn.


Hiểm nguy là thế nhưng Tà Chì Nhù rất "sòng phẳng", mỗi đoạn đường qua là khung cảnh đẹp đến run người, phía bên trái vẫn những dãy núi hùng vĩ chạy dài, với hàng cây thơ mộng chạy dọc sườn núi


phía bên phải là những biển mây mênh mông,


nắng gắt quá nên không thể có được những khung ảnh đẹp


trên đầu trời xanh ngắt chẳng một gợn mây (vì mây bay về biển dưới kia hết cả rồi) còn đâu, trước mặt là cung đường ngoằn nghoèo uốn lượn.Cứ nhìn cảnh này đây, không cần phải nói ắt hẳn bạn hiểu được cảm giác tuyệt diệu đến tột cùng.