Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Cà Mau: Kỳ 2 - Cực nam - Bâng khuâng nơi tận cùng tổ quốc!

Sau hành trình dài gần 2 tiếng đồng hồ trên sông nước thì chiếc tắc ráng của anh Pho cập bến khu du lịch Lý Thanh Long.


Vào KDL mà thấy vắng ngắt, ngó quanh mà chẳng có ai, mãi mới thấy có 1 chị để hỏi thăm, hóa ra khu du lịch này trước đông khách lắm nhưng sau khách thích đi Đất Mũi hơn nên nơi đây đìu hiu chợ chiều, thỉnh thoảng có mấy đứa ưa lang thang cực này cực nọ đến mà thôi.:D


Khó có ngôn từ nào tả xiết cảnh trời mây nơi cực nam ngày hôm đó, nơi quỷ đứng thì trời hơi tối, nhưng ngoài biển xa thì trời trong vắt xanh ngắt.  Mây cuồn cuộn khắp bầu trời.


Dứng trên doi đất nhỏ nhìn ra xa biển lớn mênh mông, đây đất quê hương kia biển trời tổ quốc, lại một lần nữa cảm giác miên man hạnh phúc lại về.


Cứ đứng thế thật lâu, ngẩn ngơ nhìn những cụm mây trắng kéo cuộn từ chân trời xa đến tận bờ


Ku badguy tranh thủ chụp 1 tấm lưu niệm. Phía sau là KDL Khai Long hoang tàn. Bờ kè cũng bị lật tung, nứt toác từng mảng lớn.


Đất ở đây do phù sa bồi đắp nên không có hình ảnh những bãi cát trắng chạy dài tít tắp mà là màu đen mịn.


Vì điểm cực nam không có điểm mốc nên thật sự khó mà định vị chính xác (trong 4 cực định vị chính xác nhất chỉ có cực tây A Pa Chải), nên quỷ có gắng tìm cách để xác định, chí ít cũng phải có cái chi chi cụ thể chút. Từ doi đất xa nhất nay nhìn thẳng sẽ thấy 1 chòi là nhỏ.


Vậy là 2 đứa đi đến để hỏi chủ nhân "căn nhà" đó là ai đặng mà còn biết.


Thật là mênh mông biển trời cực nam.


Đi mãi rồi cũng tới, gặp anh đây hỏi chuyện mới biết anh tên Tăng Viết Khái, ở Ấp Khai Long. Là chủ nhân của căn chòi này.


Chòi do anh dựng để thu mua hải sản và làm kho chứa hàng tạm.:D. Vài tháng sau khi hết mùa sẽ lại bỏ đi, mùa sau lại dựng lại.


Có duyên gặp mặt cũng có chút tình bằng hữu thế nên tiếc chi không chụp vài tấm ảnh lưu niệm.:D


Từ cực nam nhìn ra xa là đảo Hòn Khoai. Đảo còn có tên gọi là đảo Giáng Hương, nằm cách đất liền khoảng 15km.Nghe phong phanh đang xây dựng KDL rộng 700 ha trên đó. hix.


10g11 phút rời cực nam quay về lại Cà Mau. 19g30 về lại đến Sài Gòn. Vậy là hành trình chinh phục 4 cực 1 đỉnh kết thúc sau 11 tháng (20/10/2009-30/9/2010). Bức tranh quê hương vẫn còn dở dang thiếu nhiều mảnh ghép nhưng ít nhiều cũng đã nên hình dáng. Ngẫm lại, kể từ  khi bắt đầu đi lang thang đây đó khắp mọi miền đất nước đến nay cũng đã gần 6 năm (2004-2010), một chút hồi tưởng về tất cả những chuyến đi. Bỗng nhớ và thích một đoạn đã từng viết.

(Khi đặt chân đến đèo Pha Đin – Điện Biên tôi tự nhủ đây là nơi tuyệt diệu nhất, khi đứng trên đỉnh Ô Quy Hồ cung đường đèo cao nhất VN tôi lại thấy không đâu hùng vĩ như nơi đây, thế mà khi dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng - Hà Giang tôi lại gào thét trong ngập tràn sung sướng, nơi nào trên đất Việt này khi tôi đi qua, khoảnh khắc đó tôi đều nghĩ tuyệt vời nhất, tôi yêu nó nhất, và rồi tôi lại vội vàng phản bội. Những chuyến đi lại tiếp tiếp tục, tôi lại bỏ rơi những tình yêu của mình ở phía sau. Tôi vô tình quá chăng? Câu hỏi đó cứ đeo đuổi mãi cho đến một ngày khi đứng một mình trên đỉnh Fansipan lộng gió và rét mướt tôi chợt hiểu ra rằng, mỗi nơi tôi đi qua là một mảnh ghép tình yêu mà tôi đang kiếm tìm và lắp đầy trong trái tim mình - Tôi yêu quê hương tôi.)

Đây một số mảnh ghép của quỷ:




Hướng dẫn đi Cực nam:
Cực nam không khó đi và có nhiều người đã đi rồi, song quỷ cũng hướng dẫn để các bạn có thêm chọn lựa:
- Địa điểm: Cực nam: Khu du lịch Khai Long Ấp Khai Long, Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
- Phương tiện: xe máy
-Thời gian: 2 ngày là tối thiểu.
-Hành tình: Lúc đi nên đi tuyến: Sài Gòn - Tiền Giang (71km) - Bến Tre (17km) - Trà Vinh (55km) - Sóc Trăng (45km) - Bạc Liêu (51km) - Cà Mau (68km) - Năm Căn (56). (khoảng 450 km). Vì sẽ đi tham quan thêm nhiều điểm, đi thêm được một số phà như Phà Cổ Chiên, Phà Cù Lao Dung... Lúc về theo quốc lộ 1A. về Bạc Liêu - Cần Thơ - Vĩnh Long - Tiền Giang - Sài Gòn. Khoảng 385km.
Hướng dẫn:
- Từ Sài Gòn khởi hành khoảng 6g sáng đi thong dong đến Cà Mau khoảng 7g tối. Ngủ tại Cà Mau, sáng hôm sau đậy sớm khoảng 6 khởi hành đi Năm Căn. KHoảng 8g đến Năm Căn. Gửi xe tại bến tàu. Hoặc đón tàu đi Rạch Tàu rồi đến Rạch Tàu thuê xe ôm hoặc tác ráng đi Khai Long. Hoặc thuê luôn tác ráng đi thẳng Khai Long từ Năm Căn. Nên chọn cách 2 vì chủ động thời gian và dễ chụp hình ảnh.
- Khoảng 9g45 đến Khai Long (cực nam). Chơi chán chê chừng 1 tiếng, quay về lại Năm Căn tầm 1g chiều. Chạy một mạch về lại Sài Gòn nếu đủ sức khoảng 11g đến nơi.:D Nếu có dư thời gian thì giãn thêm ra.
Chi phí:
- Tiền xăng tùy xe nhưng với xe số tầm 250k/người là dư.
-Tiền ăn: 200k/2 ngày là dư luôn.
-Tiền khách sạn: 75k-100k/người là phòng đẹp rồi.
-Thuê tắc ráng: 500k từ Năm Căn đi Khai Long và quay về Năm Căn. (250k/người).
-Vé tàu cao tốc từ Năm Căn đi Rạch Tàu: 30k/người.
-Liên lạc: Tàu cao tốc từ Năm Căn đi Rạch Tàu:07803830470
Xe Phương Trang đi Cà Mau:0838333468-07803651651
anh Pho ở Năm Căn thuê tắc ráng:0914234533
- Xe Trúc Linh đi Năm Căn:07803876608


Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Cà Mau: Kỳ 1 - Cực nam - Điểm cuối cùng của hành trình 4C1D

Sau khi kết chuyến thúc đi khám phá rừng chè cổ thụ Hoàng Liên Sơn, vội quay về Sài Gòn và đi cực nam - Điểm cuối cùng cửa hành trình 4 cực 1 đỉnh (4C1D). Trong 4 cực có lẽ cực nam là có nhiều thuận lợi nhất vì cũng đã khai thác du lịch rồi, cũng vì lẽ đó mà niềm đam mê khám khá cũng vơi bớt phần nào. Song phàm làm gì cũng nên không thể nửa vời nên cũng bắt tay vào việc xác minh vị trí cũng như tìm hiểu các thông tin về cực nam một cách chi tiết hơn.
Khi tìm hiểu kỹ mới biết rằng điểm cực nam cũng có lắm điều thú vị;
- Thứ nhất điểm cực nam không phải là Đất Mũi như mọi người vẫn nghĩ. Đất Mũi là mũi đất cuối cùng của tổ quốc nhưng lại hơi cong ngược vào trong. Trong khi đó khái niệm điểm cực mà phần đất liền xa nhất về hướng cực đó.
- Qua xem bản đồ từ vệ tinh cũng như các thông tin tìm kiếm, đã xác định được điểm cực nam chính thuộc Khu du lịch Lý Thanh Long (Khu du lịch Khai Long cũ) thuộc Huyện Ngọc Hiển - Cà Mau.
-Nếu bạn nói đã đặt chân đến điểm cực nam thì cần phải bổ sung thêm một thông tin nữa đó là đến khi nào (các điểm cực khác không cần thông tin này) vì điểm cực nam sẽ thay đổi chút ít do có phù sa bồi đắp hàng năm.



Sau khi tìm hiểu đủ thông tin quỷ và ku badguy bắt đầu cực nam trực chỉ, 2 đứa quyết định không đi theo đường QL1A mà sẽ đi bằng đường qua Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng-Bạc Liêu. Vì đường này phần ít xe  nên đỡ bụi bặm hơn. Và còn một yếu tố quan trọng thú vị nữa là đi bằng đường này qua nhiều phà. Những cây cầu sẽ dần thay thế những chuyến phà, nên quỷ và badguy tranh thủ đi "thăm" trước khi những chuyến phà chỉ còn là cổ tích. Đây là phà đầu tiên của hành trình, Phà Cổ Chiên nối Bến Tre và Trà Vinh.


Bến phà Cổ Chiên từng tồn tại trước năm 1975 , sau đó ngưng hoạt động.Phà được xây dựng lại từ năm 202 đến 2008 thì chính thức hoạt động.  Là bến phà quy mô bán vĩnh cửu, tiêu chuẩn bến phà cấp 4, hoạt động 24/24,thời gian vượt 2.6km đường sông không quá 15 phút. Giai đoạn đầu có 3 phà hoạt động gồm 1 phà 60 tấn và 2 phà 25 tấn. Hôm quỷ đi phà vắng tay, phà này coi bộ chắc lỗ nặng.:D


Nhìn những chuyế phà xuôi ngược trên sông lại nhớ đến những chuyến phà ngày xưa đã từng đi như Phà Bắc Mỹ Thuận, Phà Cần Thơ...


Qua phà tiếp tục đi về Thị xã Trà Vinh, rồi ghé qua Thắng cảnh Ao Bà Om, muốn đi thắng cảnh này vì hồi đó từng thấy đăng trên tem. Đến nơi lại thấy Ao Bà Om  không có gì đặc biệt song có lẽ là một điểm rất lý tưởng để cuối tuần, bạn bè, vợ chồng con cái ra ở đây dã ngoại cuối tuần. Điểm ấn tượng nhất của Ao Bà Om là những gốc cây bị sụt đất trồi rễ lên hơn 1m. Nhìn rất lạ mắt và thú vị.


Cạnh ao là chùa Âng - Một ngôi chùa Khome cổ kính với lối kiến trúc rất đẹp. Chi tiết về những ngôi chùa Khome quỷ sẽ viết 1 bài riêng.


Đi thêm một khúc nữa gần Trung tâm TP Trà Vinh, quỷ có thấy một ngôi tháp cổ khổng lồ, nhưng không biết đây là tháp gì, chưa tìm hiểu kỹ thông tin. Cứ ghi nhận lại hình ảnh trước đã.:)


Rời Trà Vinh, 2 đứa tiếp tục đợi phà Cù Lao Dung để đến địa  phận của Sóc Trăng. Phà Cù Lao Dung rất nhỏ do nhu cầu đi lại ít, phà do tư nhân khai thác, thường khoảng 30-45 phút mới có một chuyến phà. Thường thì khách đến sẽ ngồi đợi ở quán nước ngày bến. Chừng nào nghe bác tài hét thì leo lên phà là vừa.:D


Đoạn đường ngắn từ phà Cù Lao Dung về Sóc Trăng rất thú vị, là một con đường làng nhỏ đổ bê tông len qua những mái nhà lá xinh, những rặng dừa, những con rạch nho nhỏ. Ở đây còn có cả bia thờ vua Thần Nông 2809 năm trước Công nguyên.:d Thiệt là hết hồn.:D


Trà Vinh, Sóc Trăng là "đất thần" của người Khome nên dọc đường quỷ gặp rất nhiều chùa, nếu không có chủ đích là hướng về cực nam chắc chuyến đi sẽ còn kéo dài ngày bởi sự lôi cuốn của những ngôi chùa lạ lùng và cổ kính này.


May mắn gặp lúc tan trường, các em học sinh đi học về. Đi xe đạp mặc áo dài trắng quần đen thế này là hình ảnh rất đặc trưng ở Miền tây. Bởi đường xá miền tây thường sình lầy, ngày trước có khi phải băng ruộng nên nếu mặc quần trắng thì eo ôi.:D


Gần như toàn hành trình là 2 đứa đi trong cái mưa tầm tã, mưa khủng khiếp kéo dài từ Sóc Trăng qua Bạc Liêu đến Cà Mau. Và hậu quả của cơn mưa đó là bến phà từ Cà Mau đi Năm Căn cũng không biết đâu bến đâu sông.


Lên chuyến phà để về Năm Căn, cảm giác cực nam đã gần lắm rồi.:D


Từ Năm Căn bạn gửi lại xe lại tại bến tàu Năm Căn, rồi từ đó đi xuống Rạch Tàu, từ Rạch Tàu sẽ thuê tắc ráng đi tiếp đến cực nam. Theo thông tin quỷ tìm hiểu là vậy, nhưng khi đến nơi mới phát sinh một số vấn đề. Tàu đi Rạch Tàu qua đông người và rất ngợp, đi không quen sẽ say ngay, chưa kể là chạy chậm khoảng 2.5 tiếng mới tới Rạch Tàu, rồi từ đó chuyển qua đi tắc lại mất công và thời gian nữa. Tính toán thấy có vẻ không ổn, nên quỷ quyết định thuê tắc ráng đi thẳng từ Năm Căn đến cực nam luôn, sau khi đi rồi mới biết đã có một chọn lựa cực kỳ sáng suốt.:)


Đây là anh Pho, người đưa quỷ và ku badguy đến cực nam, anh chàng này lái tắc cực chiến.:D


Chiếc tắc lồng lên rồi cứ phăng phăng băng mình lướt tới sóng đánh tung tóe 2 bên mạn. Gió thổi mát rượi.


những hình ảnh đặc trưng của miệt sông nước dần mở rộng trước mắt.Không còn hình ảnh những chiếc xe thắng kít trước cửa nhà, mà thay vào đó mà những chiếc tắc tắt máy trôi từ từ, không khóa xe mà lại cột dây vào cọc, thay vì cởi nón bảo hiểm thì lại lụm chiếc nón lá phe phẩy leo lên nhà.:D


Cũng chẳng thấy kẹt xe, cũng không nghe tiếng còi đinh tai nhức óc hay tiếng người la hét ồn ào. Thanh âm của phố thì đang bị nuốt chửng dưới làn nước.


? Bắt cá hay là "bãi giữ xe" vậy ta?


Hết sông lớn rồi đến lạch nhỏ, vào trong những con lạch đất, cảm nhận Đất Phương nam êm đềm bình dị, trời Phương nam trong xanh thăm thẳm.


Những hàng đước theo mây theo nước theo trời xanh cứ đua cùng nhau chạy dài mãi. Thật là một bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu


Có một lúc con lạch bổng chộn rộn khi anh Pho tức khí đua cùng một cô gái, đua mãi mà vẫn thua đằng sau, thiệt ai dám nói con gái miền tây là nhi nữ thường tình.:D


Nhà tôi trên bến sông có chiếc "cầu" nhỏ cong cong. Những hình ảnh hết sức đặc trưng của miền tây. Những mái chòi lá vây quanh nhà là hàng rào dừa nước,


Không biết đằng sau những bức tranh quê thanh bình này thì thân phận con người thế nào. Sao lúc này là nhớ câu hát: "Đời lục bình trôi."


"Đã trải qua bao mùa mưa nắng, qua bao cuộc đổi thay
Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam"


"Lênh đênh mây trôi, khói sương chiều miên man nỗi nhớ
Nghe trong âm ba từng con sóng vỗ về"

còn tiếp.

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Chè cổ Hoàng Liên Sơn-Kỳ 2: Hồn chè xưa rung chuyển tận ngàn sau

Qua khỏi những đường luồng khủng khiếp người 2 đứa thật dơ bẩn không thể tả xiết. Lỗ mũi cũng "đuối lắm" luôn. Đang rầu rĩ thì lời đường mật của anh Huấn làm 2 đứa sức mạnh dào dạt đổ về: "sắp đến rồi đó chừng trăm mét nữa à. Trăm mét thì có ra gì, kaka, 2 đứa phăng phăng tuột dốc, đến chân dốc anh Huấn chỉ một cây "dại" bên đường rồi nói: "Trà đó", 2 đứa nhìn hết hồn tại không thấy cây nào "khổng lồ" như trong bài báo anh Dương mô tả hết, mà có cái cây chút xíu. Cái cây bé nhất trong 3 cây là cây trà anh Huấn chỉ đó.:D



Đang còn ngơ ngác thì anh Huấn nói: " Cây này là cây con mới mọc thôi, đây mới bắt đầu tiến vào rừng chè cổ". Tranh thủ chụp vài tấm hình đầu tiên, đây là hoa chè của cây cổ "chè ốc tiêu", cây này không biết sao mà bị sâu quá.:D


Dưới đất đi thấy có lác đác hoa chè rụng, nên lụm 1 cái chụp luôn, đặng xem nó có khác gì so với hoa chè trung du quê mình không.


Càng đi vào sâu những cây chè bắt đầu dần hiện ra trước mắt, quỷ dùng chữ dần hiện ra không sai chút nào, vì ở độ cao này mây thường vây phủ kín, cứ 1 cơn gió mây lại tan, 1 cơn gió mây là dày đặc. Khó nói lắm về cảm xúc, nó cứ lớn dần từng chút một. Đây một thân chè nhỏ ườn mình chắn lối.


và nỗi ngất ngây bắt đầu lớn dần, kynhong thì chắc cảm xúc không "đột phá" lắm, nhưng quỷ thì lại sửng sốt, lớn lên ở xứ chè, mê chè, tìm hiểu về chè, kiến thức không nhiều nhưng cũng có một chút. Chưa từng nghe nói đến những cây chè cao hàng chục mét vậy mà giờ đây nhìn tận mắt. cứ đứng tần ngần mãi không thôi. Đây một cây chè cao hơn 15m.


Đây những cây chè cổ thụ quanh năm hấp thụ khí trời, ở cao độ này chốc chốc là cả cây cả lá lại chìm trong mây mù. Lớp mùn dưới những gốc chè dày đến cả mét. Nhớ lại vụ cháy rừng vừa qua, phần cháy ở HLS này là khó dập nhất vì có thể dập tắt trên bề mặt nhưng mùn dày lại cháy âm ỉ bên dưới, có khi vài ngày là bùng phát.


Những thân chè vút tận vào mây. Lá chè lúc nào cũng xanh mướt ướt đẫm. Quỷ cố tìm dưới đất xem có lá chè rụng không nhưng chỉ hoài công, hiếm hoi lắm thì thấy vài quả chè xanh, phần lớn là hoa chè.


Nhìn những cây chè cổ thụ này muôn vàn câu hỏi xoay vòng trong đầu. Rừng chè này vì sao mà có? Có được bao nhiêu năm rồi? Tại sao nó lại cao hơn chè trung du đến hàng chục mét? Tại sao lâu nay các sách nghiên cứu về chè không viết tới loại chè này? Rừng chè này rộng bao nhiêu?....


Qua trò chuyện với anh Huấn, rồi khi trở về có dịp trò chuyện với chị Viên Trân - Nghệ nhân trà đạo, anh Trịnh Quang Dũng - Chuyên gia nghiên cứu về chè một số thông tin thú vị dần hé mở. Tất cả những cây chè thân gỗ đều gọi là chè cổ thụ. Những cây chè ở Suối Giàng cũng cùng họ với giống chè này nhưng do hàng trăm năm trước đã được người Mông biết và khai thác. Khi khai thác họ đã có sự tỉa cành, ngắt đọt nên cây chè không  phát triển
chiều cao tự nhiên nên chỉ dừng ở khoảng vài mét.


Chè ở Suối Giàng cũng đã có cây khoảng 700 năm tuổi cao chừng 6 -8 mét. Vậy thì chè Hoàng Liên Sơn cao đến 20 -30m thì tuổi thọ có thể đến hơn ngàn năm. Bên cạnh đó trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết ở độ cao từ 2000-2500m, quanh năm giá rét, mây mù đã hạn chế rất nhiều sự phát triển nên phải mất rất nhiều năm vòng thân cây mới tăng được 1mm. Vậy nên với những cây chè 1,2 người ôm thì tuổi thọ trên 1000 năm là điều có thể tin được.


Còn về rừng chè này rộng bao nhiêu, chỉ có anh Trần Ngọc Lâm là biết rõ nhất, quỷ không có duyên gặp anh, nhưng theo anh Huấn kể lại thì anh Lâm nói rừng chè này anh đã đi cả tuần lễ cũng không ra hết được, có thể kéo dài cả qua Văn Bàn rồi còn rộng mãi. ở chỗ của quỷ đến chỉ trong một diện tích khoảng chừng 100m2 thôi cũng đã có khoảng chừng vài chục cây chè, vậy nên rừng chè này có thể có cả triệu cây.


Còn về nguồn gốc loại chè này là chè gì thì quỷ thua không dám ý kiến. Chỉ lạm bàn một chút như sau: Theo tư liệu của hiệp hội chè Việt Nam thì những cây chè thân gỗ thường thuộc họ chè Shan, chè assamica (thường có nhiều ở Ấn Độ) chỉ có loại này mới đạt đến độ cao trên 15m, song loại này lại không chịu được thời tiết hạn, rét, mọc ở đồng bằng mà thôi. Trong khi đó chè Hoàng Liên Sơn lại ở cao độ 2000-2500, quanh năm giá rét khắc nghiệt. Vậy đây có phải một loại mới chưa từng biết đến?.


Quỷ coi một số tài liệu về chè cũng không từng thấy nói về loại chè này. Thôi thì chuyên môn không biết nên không tiện đào sâu nữa, quay trở lại với cảm xúc ở rừng chè, lúc này trời mưa lâm râm, nhìn ngút lên đọt chè cao ngất lúc mây tan những tán chè xanh mướt dần hiện ra.


đây những lá chè non ở gần gốc, nhìn cơ bản thì chè cổ thụ Hoàng Liên Sơn không khác nhiều so với chè Suối Giàng, song màu xanh mướt hơn rất nhiều và lại dày hơn. Quỷ có đem một ít về Sài Gòn mà mãi 10 ngày sau lá vẫn xanh tươi như khi mới hái, không hề có dấu hiệu héo úa.


cứ mãi say mê, ngắm nhìn những lá chè xanh, những búp chè non. Khó diễn tả cho hết cảm giác kì lạ trong lòng. Đi vòng vòng soi thật kỹ để tìm ít quả chè đem về. Quả chè trên cây thì rất nhiều nhưng hái thì quá khó vì thân cao và trơn.


2 đứa cứ săm soi mãi, không muốn bỏ sót bất cứ "thông tin" quý giá nào về rừng chè kỳ lạ này, bởi biết rằng khó có dịp quay trở lại.


Đây một cây chè cổ thụ thân hơn 1 người ôm, cao đến gần 30m, bạn kynhong đang ôm để minh họa. Cũng chính nơi cây chè này mà anh chàng người Nhật Temuki đã cắm trại mấy ngày trời để đắm mình trong rừng chè cổ.


Đây cây chè cao vút lên trời, xòe tán lá xum xuê, cách để nhận dạng cây chè khác với các loại đỗ quyên, dẻ, lim táu là thân chè thường có mốc trắng. Đối với chè thì nhiệt độ tốt nhất để sinh trưởng là 18-30 độ C, nếu nhiệt độ thấp cây có khả năng chết rét hoặc giảm thiểu quá trình sinh trưởng. Vậy mới biết các cụ chè Hoàng Liên Sơn đã trải qua cả ngàn năm chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà vững chải đến tận bây giờ.



Đây là "cụ" chè to nhất và già nhất mà quỷ gặp được, theo như anh Lâm kể lại, đi vào sâu còn nhiều "cụ" "già" và to hơn nữa.:D


Gian nan vất vả cũng đã vượt qua, thử thách cũng đã nếm đủ rồi giờ là lúc hưởng thụ thôi. Còn gì thú hơn khi được thưởng thức ngụm chè ngàn năm ngay giữa bạt ngàn rừng chè Hoàng Liên, có gió, có mây, có núi rừng làm bạn. Các cụ xưa uống chè vẫn nói, để có ngụm chè ngon thì phải: "Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm".


Theo các cụ, nước ngon phải là Sơn thủy thượng tức lấy nước trên núi cao, thế thì đây là nhất rồi. Anh Huấn đã nhiệt tình đi lấy 1 ấm đầy nước suối. Còn về chè thì không có gì tuyệt diệu hơn nữa, mỗi lá chè cổ thụ đã hấp thụ biết bao tinh hoa đất trời, vừa ngắt xuống sương mây còn vương trên lá. Cách pha chè ư?, chè này các cụ cũng chưa từng biết đến nên khó biết pha sao cho tốt, nhưng theo người Mông ở đây thì rất đơn giản cứ ngắt lá chè vò nát rồi đợi nước sôi, đun chừng 10-15 phút. Khi đun thì lấy là chè nút vòi ấm lại cho hơi không thoát ra. Còn về ấm thì đây cũng chẳng phải Oolong mà dùng ấm tử sa, cũng không phải chè thái mà đun ấm Bát Tràng, thế nên cứ ấm Mông mà đun là tuyệt nhất.


Theo kế hoạch 3g sẽ bắt đầu quay về Trạm Tôn thì mới kịp giờ nhưng do củi quá ướt nên nhóm lửa hoài không được,1 cây cồn khô quỷ đem theo cũng không nhen được lửa, xách luôn tập tài liệu thông tin chuẩn bị chuyến đi đốt hết vẫn không cháy, có bao nhiều thứ đốt được đem đốt hết cũng không cháy. Thật sự là lúc đó buồn muốn phát khóc. Đến đây rồi mà không uống được một ngụm trà ở đây thì sao cam tâm. Trong lúc bĩ cực chợt nhớ có đem 2 cái khăn trùm đầu cho khỏi lạnh, vậy là xé ra đốt luôn, âu cũng trời không phụ lòng người nên sau gần 1 tiêng đồng hồ nhem nhóm, ánh lửa nhỏ đã bập bùng cháy sáng.


Khôn tả xiết nỗi vui mừng, trong giá lạnh của núi rừng, trong mây trắng lững lờ bao phủ, trong khung cảnh núi rừng hoang vu, ngọn lửa nhỏ bừng cháy, tiếng củi nổ lép bép, tiếng reo của nước sôi, thôi thúc cảm xúc mãnh liệt đến cùng cực, phút giây này thật sự xúc động lắm.


Không có chén đành uống bằng nắp, khẽ đưa lên mũi, mùi chè xanh thơm nồng thoảng qua mũi, nhấp một ngụm nhỏ, giữ lại trong miệng một chút rồi nuốt. Một chút chát lan trên đầu lưỡi, một chút ngọt nằm trong cuống họng và hương trà nhẹ theo hơi thở mà lan tỏa. Ngất ngây lắm, mê say lắm. Giờ khi ngồi viết lại mà hình ảnh cứ như sống lại trước mắt.
Thời gian không cho phép, 15g54 phút, sau khi dập lửa vội vàng qua về Trạm Tôn, mọi người cố gắng đi thật nhanh vì trong rừng trời sẽ tối rất mau, khi trời tối côn trùng và nhất là rắn sẽ ra, mà con đường này không có người đi nhiều nên rắn sẽ rất dễ ra nằm trên đá, nếu đi trời tối không thấy đường mà vịn vào đá thì ôi thôi. hixhix.


Cả 3 người cứ cắm cổ đi mãi, sức lực bây giờ cũng kiệt rồi, phần lớn đã "sài" hết khi leo lên. Ku Kynhong bắt đầu xuống sức rõ rệt, nhưng chắc sợ hãi quá nên cũng ráng lết, 17g đến lán 2200, không dám nghĩ lâu tiếp tục bò xuống tiếp, hết đá rồi suối rồi trèo cây... thật sự hành trình này không quá mệt nếu không áp lực thời gian.
18g11 phút đến khu bãi sậy mà các nhóm leo Fan thường hay nghĩ tạm và chụp hình, vì chỗ này nhiều hoa mua, nên cảnh đẹp và lãng mạn. Mặt mày ai cũng bơ phờ hốc hác, anh Huấn cũng đuối lắm, lúc này trời bắt đầu tối không thấy đường nữa. Và cũng vì thế mà quỷ có dịp chiêm ngưỡng một hình ảnh diệu kỳ, những chú đom đóm ra khỏi hang lập lòe chớp sáng, vài chú rồi hàng trăm chú, thật là một hình ảnh tuyệt diệu, vừa lôi cuốn, vừa huyền ảo mà còn có phần ma quái. Thích thì thích mà sợ cũng sợ. Cắm đầu mà chạy. 18g40p về đến Trạm Tôn nằm vật ra không khác gì lần trước. Sau một hồi mới cảm nhận được chân đã thôi chạy và hành trình kinh hoàng đã kết thúc



Thật sự thì không nghĩ chuyến đi khám phá rừng chè cổ đã thành hiện thực sớm như vậy. Âu cũng là cái duyên. Giờ đây khi ngồi nhâm nhi tách trá Oolong và nhớ về lại chè cổ ngàn năm Hoàng Liên Sơn lại thấy lòng bâng khuâng khó tả. Thôi thì mượn chút ý của nhà thơ Nguyễn Hữu Ba mà chia sẻ cảm xúc:
"Nâng chén trà buông trong thinh lặng
Nghe cung đàn thổn thức thời gian
Đón nghìa xưa ào ạt dâng tràn
Hồn chè xưa rung chuyển tận ngàn sau"