Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Cán Tỷ - Đông Hà: Bình yên bên dòng sông triệu năm

Hàng trăm triệu năm trước, cả vùng địa đầu tổ quốc Hà Giang còn chìm trong mênh mông biển cả. Trải qua nhiều chuyển động kiến tạo của bề dày lịch sử địa chất, biển bao la hóa núi cao sông dài. Ngày nay, nơi bản Mông Đông Hà – Cán Tỷ xa xôi, những cuộc sống ấm no đang nảy nở bên dòng sông của triệu năm xưa.  Từ thành phố Hà Giang, qua những cung đường tuyệt đẹp để đến huyện Quản Bạ, “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”,  rồi từ đây chúng tôi tiếp tục chao mình qua hàng trăm khúc cua xoắn lượn mượt mà để đến với Đông Hà. Một xã người Mông nằm giữa núi rừng Quản Bạ.

Đông Hà có 4 thôn bản: Thống Nhất, Sáng Phàng, Nà Sài, Cốc Mạ. Từ trên cao nhìn xuống, Đông Hà được bao quanh bởi trập trùng những dãy núi cao.


Tạo hóa khéo sắp đặt ban tặng cho Đông Hà dòng sông Miện cổ xưa, dồi dào sản vật chảy qua nên cuộc sống người dân cũng theo đó mà ấm no trù phú hơn.


Trong khi nhiều vùng đất khác của Hà Giang còn trong cơn khát, ruộng đồng khô khan thì nơi đây lại những cánh đồng ngô xanh mướt, trải dài tít tắp đến tận chân núi, rồi len lõi phủ đầy cả những khe đá.
 


Rảo bước dạo chơi quanh Đông Hà sẽ làm bạn choáng ngợp, ngỡ ngàng. Do địa hình bị chia cắt mạnh đã tạo ra những cột đá hùng vĩ cao vút.


 Hàng triệu năm trước, khi xảy ra biến đổi địa chất, những tầng đá vôi khổng lồ cao hàng chục đến cả trăm mét từ dưới đáy biển trồi lên, qua quá trình mưa gió bào mòn chúng bị nứt nẻ, xói mòn rồi phân tách nhau ra thành những cột đá sừng sững.


 Lại qua nghìn năm, đất theo gió tích tụ dần trên những khe đá, tạo nên môi trường sống cho các loại cây.
 


Để đến ngày nay tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ,


còn một điều thú vị nữa là trong những cột đá ấy vẫn còn lưu lại những  hóa thạch san hô, tay cuộn, vỏ sò của kỷ Devon cổ xưa.


Ở Đông Hà dường như cuộc sống náo nhiệt hiện đại chưa chạm đến, chúng tôi lang thang, len lỏi trên những con đường đất nhỏ,


cả bản làng hầu hết là những ngôi nhà Trình Tường xây bằng đất sét hoặc chỉ đan bằng cót tre.


 Tất cả đều rất đơn sơ và giản dị, cổng nhà luôn rộng mở như sự thân thiện cởi mở của chính con người ở đây. Những ngôi nhà mái ngói đỏ nép minh bình yên dưới tán cây sa mộc, vây quanh nhà là nương ngô, nương đậu.


Bên tường nhà là những bó củi, bó thân ngô xếp ngay ngắn gọn gàng để dùng thổi lửa cho bữa cơm chiều hay chuẩn bị cho những ngày rét lạnh.


 Không gian yên tĩnh đến lạ kỳ, bỗng đâu đó vang lên tiếng gà gáy trưa khiến lòng người du khách xôn xao khó tả.


Tạm chia tay những ánh mắt, nụ cười đầy quyến luyến, chúng tôi đến với Cán Tỷ. Nếu như ở Đông Hà dấu vết của triệu năm xưa tạc trên vách đá cao thì nơi đây chúng lại chạm khắc thật rõ ràng, sinh động trên dòng sông Miện.


Hai bên bờ sông những vách đá dựng đứng, những vết cào dài sắc lẻm và bóng loáng như sự giận dữ của hải thần khi mất quyền thống trị.


Có nhiều dòng chảy ngầm từ núi cao, xuyên qua khe đá rồi hòa mình vào dòng sông.  Chính vì có nhiều hốc đá mà các loại cá cũng có nhiều chỗ sinh sôi nảy nở hơn làm cho dòng sông luôn ăm ắp sản vật.


 Xã Cán Tỷ gồm 8 thôn bản Đầu Cầu I, Đầu Cầu II, Suối Hồ, Lùng Vái, Sảng Cán Tỷ, Pờ Chúa Lủng, Sủa Cán Tỷ, Giàng Chu Phìn. Mỗi bản có khi cách nhau đến vài đỉnh núi.


Khác với sự bình yên của Đông Hà, ở Cán tỷ là cuộc sống nhộn nhịp và sôi động.Hai bên bờ sông, dưới bóng tre rợp mát không lúc nào ngớt tiếng cười đùa.


Ở chốn này đám trẻ con nô đùa tắm suối, giăng lưới bắt cá,


ở chốn kia những người phụ nữ Mông giặt giũ quần áo rôm rã trò chuyện, cánh đàn ông thì gánh nước tưới ruộng hay quăng chài đánh những mẻ lớn.


Tiếng đàn lợn ủn ỉn, tiếng vịt ngan quàng quạc đòi ăn rộn vang.  Từ những thửa ruộng, mùi ngô thơm ngát theo gió mà lan tỏa khắp không gian, xen lẫn là mùi ngai ngái của những cây đay, cây lanh đang  mùa thu hoạch.


Thấp thoáng trên bến sông xưa, sau bờ tre xanh là ngôi nhà nhỏ xinh nép mình dưới chân núi đá, chút điểm xuyến màu đỏ của những cánh phượng hè, làm cả không gian xanh thêm phần quyến rũ. Tất cả hòa quyện cùng nhau vẽ  nên một bức tranh Cán Tỷ - Cuộc sống nơi địa đầu tổ quốc ấm no và hạnh phúc.


Khi trời về chiều, từ sau những dãy núi đá đen cao ngất, bỗng đâu mây trắng tràn về, cả Cán Tỷ chìm ngập trong mây, những cung đường như sợi tơ mảnh buộc quanh lưng núi rồi nối đất trời Cán Tỷ lại cùng  nhau.


Mặt trời đổ ánh dương đỏ hồng bao phủ khắp núi rừng, rồi từ từ khuất sau cổng trời Cán Tỷ, báo hiệu một ngày đã qua. Trong ngôi nhà nhỏ, khói bếp bốc lên trên ánh lửa bập bùng, cả gia đình cùng khách phương xa quây quần bên nhau như thân thiết tự lâu lắm, chén rượu ngô nồng cứ trao chuyền say khướt đến tận khuya. Ngoài kia sương đang buông xuống nhưng lòng người lữ khách ấm áp đến lạ kỳ.

Thông tin Du lịch:
- Phương tiện tốt nhất để khám phá Đông Hà – Cán Tỷ là xe máy.
Bạn có thể thuê máy từ Hà Nội, gửi xe lên Hà Giang rồi chạy lên Quản Bạ, hỏi đường đi xã Đông Hà. Từ Đông Hà đi Cán Tỷ.
Toàn bộ cung đường chỉ tầm 61km.
Thuê xe máy ở Hà Nội: Anh Hoàng: 0928290000
 Xe chất lượng cao Hà Nội -Hà Giang: Xe Ngọc Cường 0219.3867.400
Nhà nghỉ Tam Sơn, Quản Bạ:02193846543. KS 567, Tam Sơn, Quản Bạ: 02193846543

7 nhận xét:

  1. Đẹp quá đất nước mình.
    Chắc em phải xuất bản một cuốn hồi ký bằng ảnh đi Quỷ ơi, chị đăng ký là người mua cuốn đầu tiên nhé :)

    Trả lờiXóa
  2. CẢm ơn chị động viên quỷ nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết chi tiết, nhẹ nhàng ... hết sức linh động với những hình minh họa tuyệt vời ... luôn lôi cuốn người đọc !

    Nếu Nha Du Lịch Cán Tỷ - Đông Hà trả tiền nhuận bút cho em để dùng làm tài liệu quảng cáo thì sẽ có nhiều du khách tới tham quan đó.
    Anh gữi làm tài liệu cho chuyến Xuyên Việt kỳ tới ;>))))

    Trả lờiXóa
  4. có ghé nhà đọc bài này, like mạnh. Chờ phóng sự Thổ Chu nè.

    Trả lờiXóa
  5. Chân thành mà nói thì quỷ không muốn giới thiệu để mở tour du lịch ở đây anh à, ai có lòng muốn đi thì đi thôi. CHứ du lịch VN đến chổ nào thì coi như "thảm họa" cho chỗ đó. Sũng Là ngày trởi lại sau 3 năm đã có sự lột xác hết sức kinh hoàng. :(

    Trả lờiXóa