Quỷ nói một chút về vị trí các mốc giới ở thượng nguồn sông Đà. Ngay chân cầu treo Kẻng Mỏ, không qua cầu đi về phía tay phải chừng 50m có đường rẽ xuống lòng sông. Đó là Mốc 18 (2), đối diện phía bên kia là mốc 18(3).
Qua cầu treo rẽ tay phải đi dọc theo bờ sông khoảng 5 km là đến mốc 17(1) đây là mốc chính nơi thượng nguồn sông Đà. Từ mốc 17 đi tiếp 5km là đến mốc 16, từ mốc 16 đi tiếp 2km là đến mốc 15.
Quỷ nói thêm một chút về quy tắc đánh mốc để mọi người dễ theo dõi. Theo thỏa thuận VN và TQ mốc được đánh số liên tục tăng dần từ tây sang đông, tức từ Ngã 3 biên giới A Pa Chải đến giới điểm 62 cửa sông Bắc Luân.
Mốc chia các loại: Mốc đơn, mốc phụ, mốc đôi, mốc ba.
Mốc chính đơn: thể hiện dưới dạng số la tinh bình thường.
Mốc phụ: thì số mốc thể hiện dưới dạng thập thân; tử số là số hiệu mốc chính liền trước, mẫu số là số thứ tự mốc phụ.
Mốc đôi cùng số: Ngoài số mốc chính còn có số 1, 2 trong ngoặc đơn (), mốc trong đất TQ ghi số (1), mốc phía VN ghi số (2)
Mốc ba cùng số: Ngoài số mốc chính còn có số 1, 2, 3 trong ngoặc đơn (), mốc số (1) cho mốc nằm ở quốc gia cắm 1 mốc, rồi thuận theo chiều kim đồng hồ đánh tiếp các mốc (2), (3).
Yêu cầu kiến trúc mốc: có tính chủ quyền cao, thẩm mỹ, hiện đại, quốc tế. Sử dụng vật liệu hiện đại bền theo thời gian. Mốc có thân mốc, đế mốc và đặc biệt không được có CHỈ DẪN NGẦM. Chữ trên thân khắc chìm chữ nước nào quay mặt về nước đó. Ghi tên nước, số thứ tự mốc, năm cắm. ở cửa khẩu thi gắn thêm quốc huy, đường kính 30 cm. Mốc đại nặng 950 kg, mốc trung 500kg, mốc tiểu 300kg.
Cắm mốc: Mốc chính, phụ số lẻ do TQ cắm, Mốc chính phục số chẵn do VN cắm. Mốc đôi, mốc 3 cùng số thì ở nước nào nước đó cắm.
Quay lại với hành trình, chúng tôi qua cầu treo Kẻng Mỏ rồi phóng thẳng vào mốc 17, lúc này trời đã về chiều, phóng thật nhanh vì e là trời tối sẽ lỡ việc hết, và rồi 5g20p chiều ngày 1/2 chúng tôi đã đến mốc 17(1) ngã 3 sông.
Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Chẳng biết sao nhưng những lần đến các điểm mốc tôi thường không hân hoan hú hét được mấy, mà bồi hồi xúc động nhiều hơn.
Bước chầm chậm qua từng bậc thang để lên mốc,
khẽ chạm tay thấy lòng dâng trào khó tả.
Cũng đã chạm tay vào rất nhiều cột mốc nhưng lần này sao cảm xúc cứ cuồn cuộn mãnh liệt,
có lẽ chính sự mong đợi suốt 2 năm qua mà thúc dồn nên chăng.
Đứng lặng và ngắm nhìn toàn cảnh nơi ngã 3 sông miền biên ải,
phía đối diện bên kia là đất TQ rồi, xa xa là cột mốc 17(2).
Bờ kè đá vững chắc được xây ngăn xói dòng ,
Từ mốc 17 (1) nhìn về phía TQ
Tọa độ mốc
Nghiêng mình tự hào khi đứng trên mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc.
Đứng một hồi chúng tôi xuống lòng sông để dạo chơi. Mùa này không nhiều nước, lòng sông trơ đá,
theo anh Thơ trạm trưởng kể lai, vào mùa nước nhiều, phía TQ xả lũ trâu bò chết trôi đầy về phía Việt Nam.
Cũng từ đây nhìn lên trên cao phía bên đất Trung Quốc là cột mốc 17 (2),
tiến sát bờ một chút để nhìn cho rõ thế này đây.
Nhấm nháp một ngụm nước nơi thượng nguồn, để gọi là lưu giữ một chút tâm tình,
Lang thang về phía mốc 17 (3) bên đất TQ để chụp cho rõ.
Cận cảnh mốc 17(3).
Lúc này trời cũng đã sập tối, chút nắng chiều hắt lên trên nền trời, làm cảm giác sao thấy nặng nề quá.
Có lẽ do tự kỉ ám thị mà lúc nào lang thang nơi biên ải với TQ cũng đều có cảm giác khắc khoải, đượm chút buồn.
Xong chạy vội về lại trạm để các anh khỏi đợi cơm.Và cũng như bao nhiêu lần khác khi đến với các anh biên phòng đó là bữa rượu vật vã. :D
Hôm đấy có tất cả là 6 anh em: quỷ, litbadguy, anh Thơ trạm trưởng, 2 anh Tuấn và ku Thánh người Thái. Lại những chén rượu thắm tình anh em cứ tràn đầy đến tận khuya, 10g30 cu litbadguy chịu hết nổi trốn trước, anh Thơ đi kiểm tra, còn lại 4 anh em, cưa đến 11g30 thì giải tán. Nhờ ku Thánh dẫn ra cầu treo Kẻng Mỏ nằm sải lai mà tận hưởng không gian đất trời biên cương. 2 anh em ngồi tám đến gần 1g rồi về ngủ. Cả ngày mệt cùng với tiệc rượu đến tận canh tàn nên giấc ngủ ngon cực. Sáng hôm sau dậy sớm để đi mốc 16 rồi đặng còn kịp về chạy về Lai Châu (dự kiến một ngày khủng khiếp).
Chúng tôi dậy sớm đi mốc 18, vì mốc gần trạm nên đi khá dễ dàng, trèo xuống bờ sông một chút là đến mốc 18(2).
Từ mốc nhìn về phía Trung Quốc, vì chưa tìm hiểu kĩ nên không nhớ được tên các dòng sông và suối ở đây để chú thích chi tiết.
Đối diện với mốc 18(2) phía bên kia suối là mốc 18 (3) nhưng cây rậm rạp che hết cả.
Thăm mốc 18 xong, chúng tôi cũng quay lại cung đường cũ đi mốc 17, rồi từ đây chúng tôi chạy tiếp khoảng 5km nữa để đến mốc 16.Cung đường này cũng rất đẹp, xẻ rừng núi hoang sơ mà đi.
Đến mốc 16 thì gặp Bộ là công nhân xây dựng mốc thuộc công ty Thủy điện Điện Biên, hôm nay còn nghĩ tết nên các anh em công nhân vẫn chưa vào Bộ nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đường ra mốc.
Mốc 16 là loại mốc ba, đây mốc 16 (2),
cắm gần ngay lán trại xây dựng,
năm 1885 Pháp ký một công ước nhượng một số phần đất đai huyện Mường Tè, Lai Châu cho TQ, sau đó năm 1895 đã ký một Công ước bổ sung thu hồi lại được phần đất này song vẫn mất một phần. Và việc cắm mốc hiện nay là theo công ước bổ sung này.
Đối diện với mốc 16 (2) bên kia suối là mốc 16 (1).
Cũng từ vị trí dòng suối này chúng tôi lội ngược dòng chừng 200m để lên mốc 16 (3).
Đường lên mốc 16 (3).
Vì đây là có ngã 3 sông, suối nên cắm đủ 3 mốc làm phân cách theo quy định cắm mốc,
nhằm tránh sự thay đổi dòng chảy làm ảnh hưởng đến tính chính xác của đường biên giới.
Mốc 16(3) nếu không hỏi đường chắc sẽ không biết mà đi, mọi người đi sau nhớ lưu ý kỹ.
Cũng từ vị trí này nếu chúng tôi đi ngược dòng tiếp 2km nữa sẽ đến mốc 15. Song vì thời gian không cho phép nên đành chịu. Chia tay Bộ chúng tôi quay nhanh về lại trạm, Thu gom đồ đạc rồi tạm biệt các anh để trực chỉ về Lai Châu, 260km còn miệt mài phía trước.
Chuyến đi này thật là "bội thu" cột mốc, tổng cộng chúng tôi đi được 8 mốc: 3 mốc 16, 3 mốc 17, 1 mốc 18, 1 mốc 29. Bài sau sẽ hướng dẫn mọi người đường đi thượng nguồn sông Đà.